Trang

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Ca ghép gan người lớn đầu tiên tại TP.HCM

(Tin tuc) - Nhận được thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị ghép gan người lớn, con trai và con gái bà Đ. lập tức xin làm xét nghiệm hiến gan và cuối cùng con trai được chọn.Sau rất nhiều lần tư vấn, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nhiều cặp muốn cho gan và cần ghép gan, êkip ghép gan Bệnh viện Chợ Rẫy cùng đoàn ghép gan của Bệnh viện ASAN Medical Center (Hàn Quốc) đã chọn được ca ghép là một người mẹ có con trai sẵn sàng hiến gan cho người sinh thành, dưỡng dục mình.



Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực nghiệm phẫu thuật ghép gan trên heo - Ảnh: CTV

Lẽ tự nhiên

Người mẹ ấy tên C.T.K.Đ., 52 tuổi, ở Đắk Min, Đắk Nông. Năm 1999, bà Đ. được phẫu thuật cắt túi mật. Năm 2004, bà bị hẹp đường mật, sau đó bị giãn tĩnh mạch thực quản (biến chứng của xơ gan), diễn tiến tới suy gan. Từ năm 2008, vợ chồng bà bền bỉ tuân thủ quá trình điều trị bệnh gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng đến năm 2010, bác sĩ khuyên gia đình nếu có điều kiện nên sang nước ngoài ghép gan vì gan đã bị suy. Vợ chồng bà Đ. cùng làm nghề giáo, có vay mượn tất cả người thân cũng không thể đủ tiền sang nước ngoài ghép gan được nên đành tiếp tục đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị với suy nghĩ kéo dài được sự sống chừng nào hay chừng ấy.

Cách đây năm tháng, bác sĩ điều trị cho bà Đ. báo tin Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị ghép gan ca đầu tiên, đang tư vấn để chọn bệnh nhân. Nghe được tin này, vợ chồng bà đã mời hai bên nội ngoại đến họp gia đình. Ai cũng ủng hộ, động viên bà nên đi ghép gan. Người quyết định hiến gan đầu tiên là mẹ bà năm nay đã 74 tuổi và sau đó là chồng bà 54 tuổi.

Mẹ bà Đ. tuổi cao, người chồng không cùng nhóm máu nên các bác sĩ kết luận không đủ điều kiện để hiến gan. Nhận được kết quả này, con trai và con gái bà Đ. lập tức xin làm xét nghiệm và cuối cùng người con trai được chọn. Chàng trai này tên D.H.L., 22 tuổi, sinh viên năm 4 khoa công nghệ thông tin Trường đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM. Khi hỏi lý do quyết định hiến gan cho mẹ, L. chia sẻ trong mắt L. mẹ luôn là người thân yêu nhất. Khi mẹ đang cần một phần gan để kéo dài sự sống mà mình lại sẵn có thì con hiến cho mẹ cũng là tình cảm tự nhiên.

Đường sống cho những người suy gan, ung thư gan...

PGS.TS Nguyễn Tấn Cường đã ấp ủ giấc mơ ghép gan trên người lớn từ hơn 10 năm nay. Năm 1999, Bộ Y tế giao chương trình ghép tạng cho Học viện Quân y (Hà Nội) chủ trì. Thời gian này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đăng ký tham gia một đề tài với Bệnh viện Quân y. Để thực hiện đề tài này, từ năm 1999-2003, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực nghiệm phẫu thuật ghép gan trên 60 cặp heo.

Hai năm gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt cử phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, bác sĩ hồi sức, bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng dụng cụ phòng mổ... sang Bệnh viện ASAN để được tập huấn về ghép gan. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sang Mỹ, các nước châu Âu học hỏi về kinh nghiệm ghép gan. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng trang bị thêm những loại máy móc hiện đại phục vụ phẫu thuật ghép gan...

Hai ca ghép gan đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ được Bộ Y tế cùng bệnh viện hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân, ước tính hơn tỉ đồng một ca (hiện giá ca ghép gan tại Singapore là 4 tỉ đồng và tại các nước khác hơn 2 tỉ đồng). Ca đầu tiên được thực hiện từ người cho gan còn sống và ca thứ hai sẽ thực hiện trên người cho đã bị chết não.

PGS Cường nhấn mạnh ca ghép gan đầu tiên cho người lớn được thực hiện sẽ mở một con đường sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh gan nặng như xơ gan, suy gan... Đặc biệt, ghép gan là phương pháp điều trị tối ưu cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan có đủ tiêu chuẩn được ghép gan như có một u không lớn hơn 5cm, hoặc tối đa ba u không có khối u lớn hơn 3cm, tổng cộng kích thước các khối u không lớn hơn 8cm...

Hôm nay 8-10, gia đình bệnh nhân chuẩn bị được ghép gan đến Bệnh viện Chợ Rẫy để rà soát các xét nghiệm và những thông số cần thiết. Theo kế hoạch, ngày 11-10 đoàn ghép gan của Bệnh viện ASAN gồm 15 người sẽ đến Bệnh viện Chợ Rẫy để tiến hành ghép gan vào ngày 12-10.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét