Trang

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Đám cưới không "nhiều mâm" vẫn vui!

“Theo quy định của quận Hà Đông (Hà Nội) về vấn đề tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh mới (áp dụng từ năm 2009) thì mỗi gia đình khi tổ chức việc cưới không được mời quá 40 mâm, mỗi mâm không quá 6 người tức là tương đương với 240 khách. Tuy nhiên khi tổ chức đám cưới cho con trai đầu, gia đình chúng tôi cũng chỉ mời 150 khách tương đương với 25 mâm cỗ. Còn lại chúng tôi mời bà con, bạn bè tới dự tiệc trà để chia vui với gia đình. Như vậy, ai cũng thấy vui vẻ và tình cảm hơn nhiều” - Bà Tuyết nói.

Theo bà Tuyết, việc tổ chức đám cưới đơn giản, gọn nhẹ như vậy không chỉ giúp cho gia đình đỡ vất vả và tốn kém, mà còn tiết kiệm hơn cho bà con, bạn bè. Và sau đám cưới, gia chủ không phải nai lưng ra để trả nợ, cũng như làng xóm, bạn bè không phải lo ngay ngáy mỗi khi nghe tin, nhà ông A, bà B lại sắp có đám.

Bà Trần Thị Tuyết: Tổ chức đám cưới đơn giản, gọn nhẹ thì hàng xóm bạn bè không phải lo ngay ngáy mỗi khi nghe tin sắp có đám

Đồng ý với quan điểm này, ông Phạm Luyện nguyên cán bộ Học viện Chính trị, Tổ trưởng tổ dân phố số 13 (Ngô Quyền - Hà Đông) cũng cho biết: “ Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương và quy định về đám cưới văn minh, tiết kiệm. Đám cưới của 2 cô con gái, gia đình chúng tôi cũng tổ chức rất gọn nhẹ.

Đám cưới cô con gái thứ nhất, tôi chỉ tổ chức 20 mâm cỗ, đến cô con gái út, vừa tổ chức đám cưới mới đây, tôi cũng chỉ mời trên 30 mâm cỗ, tương đương với khoảng 200 khách. Và tôi thấy như vậy là rất hợp tình hợp lý”.

“Từ trước đến nay, người dân mình thường có quan niệm, “mâm cao cỗ đầy”, đám cưới là chuyện hệ trọng cả đời nên gia đình nào cũng muốn làm to, làm sang, tổ chức linh đình, và mời thật nhiều khách. Rồi lại thêm quan niệm “trả nợ miệng”, người ta mời mình, chẳng lẽ đến mình lại không mời người ta, thế nên người nọ lại phải theo người kia. Kết quả là, đám cưới trở thành đám lo. Không chỉ gia chủ lo, mà bà con, bạn bè, anh em, họ hàng cũng lo.

Đấy là chưa kể, vào mùa cưới xin, một tháng có khi gia đình phải nhận được đến 5, 7 thiệp mời. Không đi thì áy náy, mà đi thì cũng ngại.

Có những đám cưới, gia chủ còn tổ chức ở nhà hàng sang trọng, mỗi mâm cỗ trị giá đến hàng triệu, thậm chí là năm bảy triệu. Người đến ăn, mừng ít thì thấy không đành lòng, mà mừng nhiều, mừng làm sao cho đủ tiền cỗ của người ta thì... lấy đâu ra” - ông Luyện chia sẻ.

Theo lời ông Luyện, ở khu phố của ông, khi một nhà có đám cưới hỏi, thì bà con làng xóm, bạn bè, các mối quan hệ xã hội thường được mời đến dự tiệc trà (hay còn gọi là tiệc ngọt). Bữa tiệc này sẽ được gia chủ chuẩn bị những đồ ăn ngọt bao gồm: nước ngọt, mấy chai bia, một ít bánh kẹo, cộng thêm hạt bí, hạt hướng dương... để mọi người đến trò chuyện, chia vui cùng với gia đình.



Ông Phạm Luyện bên tấm thiệp cưới chỉ mời tham dự tiệc trà

“Tham dự bữa tiệc này, tuy đơn giản nhưng ai cũng thấy vui hơn nhiều, vì bên cạnh lý do kinh tế, thì khi tham gia bữa tiệc này, mọi người còn có thời gian ngồi nói với nhau câu chuyện, hỏi han và quan tâm đến nhau. Chứ đến ăn cỗ cưới, lúc nào cũng vội vội, vàng vàng, có khi còn không kịp nói với gia chủ câu nào đã ra về” - ông Luyện nói thêm.

Quy định mới, dần dần rồi sẽ quen

“Ngay từ khi “Chương trình 06” của quận Hà Đông ban hành năm 2009 về quy định thực hiện việc cưới, việc tang, việc lễ hội theo nếp sống văn minh mới với nội dung và các chế tài cụ thể. Là cán bộ tổ dân phố, chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền đến bà con nhân dân. Tuy nhiên thời gian đầu, việc động viên bà con thực hiện theo nếp sống mới gặp khá nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do bà con vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm “trả nợ miệng” như tôi đã nói ở trên nên việc bỗng nhiên cắt giảm lượng khách mời khiến khá nhiều bà con băn khoăn.

Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau thì việc thực hiện đã đi vào nề nếp.

Hiện tại, bà con trong khu phố đã quen với việc tổ chức việc cưới đơn giản mà tiết kiệm. Thậm chí, khi một gia đình tổ chức tiệc cưới quá quy định, quá to và quá sang còn bị nhiều bà con khác góp ý” - Ông Phạm Luyện nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét